10:34 08/06/2020 Lượt xem: 531
Vitamin B bao gồm:
Vitamin B1 (thiamin), rất quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của các cơ quan, bao gồm não và tim.
Vitamin B2 (riboflavin), cơ thể cần loại này để phân hủy chất béo và thuốc.
Vitamin B3 (niacin), cơ thể cần niacin để duy trì làn da khỏe mạnh, thần kinh và tiêu hóa. Các bác sĩ đôi khi còn kê đơn liều cao niacin để giúp cải thiện mức cholesterol.
Vitamin B5 (axit pantothenic) rất cần thiết cho sức khỏe của não và hệ thần kinh.
Vitamin B6 (pyridoxin) giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu mới, mang oxy đi khắp cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Vitamin B7 (biotin) rất cần thiết cho tóc, móng và chức năng thần kinh.
Vitamin B9 (axit folic), cơ thể sử dụng axit folic để tạo ra DNA và vật liệu di truyền. Khi mang thai, axit folic có thể làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Vitamin B12 (cobalamin) rất cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu. Khi thiếu hụt dưỡng chất này sẽ gây thiếu máu ác tính...
Nếu dùng vitamin B liều cao có thể gây nguy hiểm
Phụ nữ mang thai
Vitamin B đặc biệt quan trọng trong thai kỳ. Nên uống ít nhất 400mcg axit folic mỗi ngày trước khi mang thai và trong thai kỳ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên tiêu thụ folate - dạng tự nhiên của axit folic - từ các nguồn thực phẩm. Axit folic và folate làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống.
Phụ nữ mang thai cũng cần nhiều vitamin B12. Các nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến sẩy thai, thai nhẹ cân, tăng huyết áp ở phụ nữ và các bất thường của thai nhi.
Người ăn chay
Chế độ ăn chay có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin B12.Trong khi đó, loại vitamin này lại có nhiều trong các loại thực phẩm từ động vật bao gồm thịt, trứng và sữa. Vì vậy, những người không ăn các sản phẩm từ sữa, động vật cần phải bổ sung loại vitamin này.
Những người đã phẫu thuật cắt dạ dày
Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày thường cần bổ sung vitamin B.
Nghiên cứu chỉ ra rằng phẫu thuật này làm tăng nhu cầu của một người đối với vitamin B12. Các bệnh nhân này cần bổ sung vitamin B và các dưỡng chất khác theo chỉ định của bác sĩ.
Người cao tuổi
Những người từ 65 tuổi trở lên có thể được hưởng lợi từ chất bổ sung các vitamin nhóm B. Người lớn tuổi dễ bị thiếu vitamin B12 hơn. Một số bằng chứng cho thấy rằng người có mức B12 cao hơn có thể giúp làm chậm sự lão hóa của não. Ngoài ra, mức B6 cao hơn có liên quan đến việc giảm các triệu chứng trầm cảm.
Người có điều kiện sức khỏe khác
Ngoài ra, những người đang ở trong các tình trạng sau đây cần bổ sung các vitamin nhóm B như: nghiện rượu; người bệnh Lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường; bệnh Crohn; bệnh Alzheimer, ung thư...
Các vitamin B đều tan trong nước và sẽ thải trừ qua nước tiểu. Nếu dùng theo liều khuyến cáo dường như sẽ không gây nguy hại, song nếu dùng liều quá cao của một số vitamin B nhất định có thể gây nguy hiểm.
Vitamin B3 liều cao: Axit nicotinic liều cao, một dạng tổng hợp của vitamin B3 có thể làm tăng lượng đường trong máu (điều này có thể can thiệp với thuốc trị tiểu đường). Vì thế, những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc có lượng đường trong máu cao không nên dùng axit nicotinic liều cao. Ngoài ra, khi quá nhiều axit nicotinic cũng có thể gây ra huyết áp thấp, mệt mỏi, đau đầu, phát ban và tổn thương gan.
Dư thừa nicotinamide: Liều cao nicotinamide - một dạng vitamin B3 khác có thể gây tiêu chảy và tăng nguy cơ chảy máu. Điều này có thể xảy ra với liều 500mg mỗi ngày. Liều cao hơn 3.000mg có thể gây nôn và tổn thương gan.
Quá liều axit folic: Uống hơn 1.000mcg axit folic mỗi ngày có thể che giấu một loại thiếu máu do thiếu vitamin B12. Uống bổ sung phức hợp vitamin B liều cao cũng có thể làm nước tiểu có màu vàng sáng. Tác dụng này là tạm thời và vô hại. Một khi thận loại bỏ các vitamin dư thừa, màu sắc sẽ trở lại bình thường.
Trong hầu hết các trường hợp, vitamin B không tương tác tiêu cực với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm cho thiếu hụt vitamin B. Ví dụ: Thuốc huyết áp có thể làm giảm mức vitamin B1; thuốc chống động kinh làm giảm mức vitamin B3, B6 và B9; thuốc điều trị bệnh lao có thể gây ra nồng độ vitamin B3 và B6 thấp. Một số loại thuốc ung thư, thuốc điều trị viêm loét đại tràng có thể làm giảm mức vitamin B9; một số loại thuốc kháng sinh và thuốc điều trị loét, tiểu đường hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc GERD có thể làm giảm mức B12.
DS. Nguyễn Thu Giang